2.1 Thư giãn cổ
Cổ không chỉ phải chịu trách nhiệm chịu toàn bộ trọng lượng đầu mà còn phải thực hiện rất nhiều động tác như cúi, ngửa đầu, xoay sang 2 bên, xoay vòng tròn nên phải hoạt động liên tục. Vì vậy, điều đầu tiên nếu bạn bị đau cổ hoặc trẹo cổ sau khi ngủ dậy là cần thư giãn cổ trong một lúc. Vận động nhẹ nhàng, đưa cổ xoay sang hai bên một cách vừa phải vừa là cách giúp cổ thoải mái vừa giúp khởi động để chỉnh lại tư thế đúng của cổ sau khi bị trẹo.
Ngoài ra, bạn cần chú ý là bất cứ khi nào nằm xuống hoặc đi ngủ thì cần đặt đầu ở tư thế cân bằng, nằm trên một chiếc gối thoải mái, vừa để giữ thẳng cổ, không nên dùng gối quá cao hoặc quá cứng.
2.2 Chườm lạnh
Nếu bạn bị trẹo cổ đơn thuần và vừa mới phát hiện trong thời gian ngắn thì có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh. Bạn có thể lấy một chiếc khăn vải bọc một miếng đá lạnh ở trong và chườm lên vùng cổ bị căng đau khoảng 10 – 15 phút.
Một số người bệnh chia sẻ rằng sau khi bị trẹo cổ do ngủ sai tư thế, việc chườm lạnh khiến họ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn cũng như có thể giảm đau nhức. Tuy nhiên, nếu bạn không thích cảm giác lạnh hoặc sau khi đã chườm lạnh mà triệu chứng không đỡ thì không nên thực hiện nữa mà chuyển sang phương pháp khác.
2.3 Chườm ấm
Chườm ấm đa phần hiệu quả ở nhiều người bị trẹo cổ sau ngủ dậy. Hơi ấm sẽ giúp các cơ thư giãn, giảm tình trạng co cứng, tăng lưu thông tuần hoàn. Người bệnh không chỉ thấy thoải mái, giảm đau mà còn giúp cải thiện tình trạng trẹo cổ. Đặc biệt, những người bị thoái hóa cột sống cổ, người bị trẹo cổ thường xuyên thì nên áp dụng biện pháp chườm ấm.
Người bệnh có thể áp dụng nhiều phương pháp chườm ấm khác nhau như:
- Chườm ấm bằng giấm: Bạn đổ ít giấm vào vài miếng bông sạch để cho ngấm rồi đặt lên vùng cổ bị đau. Sau đó bạn dùng túi nhiệt với nhiệt độ trong túi khoảng 50 – 60oC để tiếp tục chườm lên cổ. Cách làm này sẽ giúp cổ được thư giãn, giảm đau mà không làm bỏng vùng này. Bạn nên chườm khoảng 30 phút mỗi lần hoặc đến khi túi chườm hết ấm thì bỏ ra.
- Chườm ấm bằng bột sắn dây: Nguyên liệu bao gồm: Sắn dây 100g, Cam thảo 20g, Bạch thược 50g. Người dùng cho tất cả các nguyên liệu này vào túi vải sạch và đun cho nóng trong khoảng 30 phút. Vớt túi vải ra và để đến khi đạt nhiệt độ thích hợp khoảng 50 – 60oC và chườm lên vùng đau ở cổ.
- Chườm ấm bằng muối rang: Người dùng chuẩn bị khoảng 100 – 200 g muối hạt, cho lên bếp và rang nóng. Sau đó, đổ lượng muối đã rang vào một túi vải hoặc một khăn mềm, chờ đến khi đạt nhiệt độ vừa phải và từ từ chườm khắp vùng cổ bị đau. Khi bị trẹo cổ sau ngủ dậy, người bệnh có thể thực hiện 1 -2 lần mỗi ngày sẽ giúp tăng hiệu quả nhưng cần chú ý tránh bị bỏng.
2.4 Massage vùng cổ bị trẹo
Khi bị trẹo cổ sau khi ngủ dậy, hầu như các cơ vùng cổ đều bị căng cứng và hạn chế vận động. Việc massage nhẹ nhàng ở khu vực vùng cổ sẽ giúp các cơ giảm căng, giảm sưng và từ đó giảm đau cơ, không kéo lệch cổ về một bên nữa. Ngoài ra, khi gặp phải tình trạng ngủ bị trẹo và đau cổ thì massage cũng sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn, dễ chịu và giảm mệt mỏi.
Khi massage, bạn có thể kết hợp thêm dầu xoa bóp sẽ giúp làm tăng hiệu quả. Các loại dầu xoa bóp giúp làm nóng da, tạo sự thoải mái sau khi massage, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn, giúp kích thích vào vùng cổ một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, các loại dầu xoa bóp này cũng thường có mùi hương dễ chịu, tăng sự thư giãn cho người bệnh.