Mùa hội cá đường sau cùng còn lại trong ký ức của anh Tư Tua ở vàm Kiến Vàng, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, năm 1983. Chỉ trong nội ngày này, chiếc ghe lưới gộc nhà anh đã bắt được gần hai ngàn con cá đường, con nhỏ nhất từ bốn đến năm ký!
Cá hội dưới nước, người vui trên bờ
Ca dao vùng Năm Căn còn lưu dấu hình ảnh liên quan đến ngày hội cá đường: Bao giờ hết đước Năm Căn Ông Trang hết cá Viên An hết rừng Khai Long hết xác cá đường Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bay.
Từ cửa biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng kéo dài đến phần biển vịnh Thái Lan ven bờ Tây của mũi Cà Mau có nhiều địa điểm cá đường quần hội, nhưng tập trung thường xuyên và có mật độ cá hội đông đảo nhất là vùng biển ngay chót mũi Cà Mau, bên ngoài bãi biển Khai Long. Ở vùng biển này có hẳn một nơi được gọi là sân hội. Sân hội chỉ rộng chừng sáu cây số vuông, biển ở đây gò cạn, giữa sân có lòng chảo, độ sâu của khu vực sân chỉ từ hai đến ba sải nước.
Nguồn lợi từ bong bóng cá đường rất lớn, nhưng vì việc khai thác chỉ diễn ra chóng vánh vài ba ngày trong năm nên không có loại ghe lưới nào của ngư dân chuyên đánh cá đường. Không chỉ có các ghe lưới gộc mà hầu như tất cả các ghe lưới có mặt trong vùng từ lưới năm, lưới chim, lưới quét, cào mé, lưới tôm, cả xuồng chèo từ các cửa biển Kinh Năm, Rạch Gốc, Kiến Vàng, Ông Trang, Bồ Đề, Hố Gùi… đều đổ xô ra sân hội. Cá đường về hội lượn lờ vàng cả mặt nước. Có khi người khai thác chỉ có cây móc câu cán dài, thọt móc câu xuống nước giật lên là được cá.
Sau năm 1975, ông Bảy Cứng có sáng kiến xây nò ngoài biển để đón bắt mùa hội cá đường. Nhưng cũng chỉ khai thác được vài năm thì cá đường không còn hội nữa.
Của ngon còn một chút này…
Ở cửa biển Sông Đốc, Cà Mau, có một xóm lưới gộc lâu đời. Vào mùa hội cá đường, cả xóm đổ xô hết về mũi Cà Mau. Trước mùa hội cá đường hàng năm, thương lái từ Quảng Đông, từ đảo Hải Nam của Trung Quốc lại dong thuyền đến cửa biển Sông Đốc để đón mua bong bóng cá đường.
Bong bóng cá đường có tác dụng gì, cách chế biến món ăn ra sao, ngư dân vùng biển Cà Mau đều rất mù mờ. Theo họ, bí mật này chỉ có người Trung Quốc mới biết, vì hầu như sau khi khai thác, ngâm muối, làm sạch, phơi khô, cán thẳng thì chỉ có người Hoa là khách hàng thu mua loại sản phẩm này. Nếu không bán cho những thương nhân từ Trung Quốc sang thì họ cũng chỉ bán cho những đầu mối thu mua của Hoa kiều Chợ Lớn.
Mùa hội cá đường cuối cùng năm 1983, gần hai ngàn chiếc bong bóng cá đường của nhà anh Tư Tua đều bán cho ngành thương nghiệp quốc doanh, tuy giá rất “bèo” nhưng nhà anh cũng thu về một khoản tiền đủ trang trải trong một vài năm. Lật cuốn sổ tay vàng ố, anh Tư Tua cho tôi chép lại bảng giá thu mua bong bóng cá đường vào năm 1969 của Hoa kiều Chợ Lớn: loại một: 2 cái/1kg = 2 lượng vàng; loại hai: 3 cái/1kg = 1,5 lượng vàng; loại ba: 4 cái/1kg = 1,2 lượng vàng; loại dạt (nhiều cái) = mỗi ký 0,8 lượng vàng. Ngoài ra còn có giá riêng cho loại bong bóng có tuổi, càng nhiều năm tuổi giá càng cao.
Ngày xưa bãi biển Khai Long thành nghĩa địa cá đường là vì giá trị quá cao của cái bong bóng, cá đường lại quá nhiều nên thịt cá phải bỏ đi chứ thực ra cá đường cũng rất ngon, không thua cá bớp hay cá gún. Bây giờ, dù ngày hội cá đường đã thành chuyện vang bóng một thời, nhưng về với khu du lịch bãi biển Khai Long, bạn vẫn có thể thưởng thức món khô cá đường. Thịt cá đường tươi, nhất là phần đầu, nấu canh chua bần cũng hết ý với dân nhậu.
Đặc biệt hơn là món mắm trứng cá đường. Món mắm này do bà Ba Phượng, một tay làm mắm trứ danh, có thâm niên hơn 50 năm ở vùng Bàu Chấu, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chế ra vài năm gần đây. Vào tháng 3 hàng năm, các ghe lưới gộc, lưới rút ở vùng biển mũi Cà Mau vẫn còn đánh được những chú cá đường bụng mang đầy trứng, tìm về “cố hương”. Một con cá đường chừng 10kg, buồng trứng có thể nặng đến nửa ký. Một lần xuống thăm anh con trai đang làm y sĩ ở trạm y tế xã Đất Mũi, thấy nhà con được các bệnh nhân là ngư dân tặng cho những bộ đầu và lòng cá đường có mang trứng, nhưng anh con và bạn bè chỉ nhậu phần đầu và cái bao tử, còn trứng vì nhiều quá, ăn ngán, nên bỏ đi. Bà Ba Phượng thử đem kinh nghiệm làm mắm của mình áp dụng vào thứ nguyên liệu mới là trứng cá đường, hoá ra lại thành món ăn rất hấp dẫn.
Nhà văn Trung Đỉnh trong một chuyến về Đất Mũi, sau khi được thưởng thức món mắm trứng cá đường, đã tìm cách “qua mặt” được bộ phận kiểm tra của sân bay, mang về Hà Nội được một hũ nhỏ. Trong cuộc nhậu sau đó của các văn nhân Hà thành, điện thoại nhà anh con của bà Ba Phượng ở Đất Mũi cứ reo suốt buổi chỉ vì hũ mắm trứng mà anh Đỉnh mang ra Hà Nội.
Nguyễn Trọng Tín Nguồn:SGTT